Khi nào không nên tin vào cảm xúc của mình

Con người ta mãi luôn là một kỳ quan bí ẩn thu hút sự khám phá, đặc biệt là về mặt suy nghĩ và cảm xúc. Ta thường nhận thấy có sự tương quan giữa điều mình suy nghĩ với cảm xúc bên trong, thế nhưng trên thực tế, mối tương quan này lại kém chính xác. Cảm xúc thường là yếu tố khó kiểm soát nhất vì bởi nó dường như là đặc tính tự nhiên của chúng ta, thế nên càng đòi hỏi ta phải tinh tế để có thể nhận ra được những cảm nhận thẳm sâu bên trong mình, từ đó mới phần nào tránh được những cái bẫy bắt nguồn bởi cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ. Đây cũng là  một quá trình giúp ta dần trưởng thành hơn về mặt trí tuệ cảm xúc.

Ta thường nghe một lời khuyên là hãy lắng nghe cảm xúc hoặc cảm nhận của mình. Nhưng làm sao biết được là nên lắng nghe cái nào? Làm sao ta có thể tin tưởng cảm xúc hoặc cảm nhận khi có lúc nó làm tâm trạng ta suy sụp?

Không có một câu trả lời duy nhất cho những câu hỏi này. Nhưng có một câu bạn nên tự hỏi: Đây là cảm nhận thật của mình, hay chỉ là cảm xúc “phát sinh từ suy nghĩ”?

Cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ

Cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ là gì? Có rất nhiều thứ ta gọi là “cảm xúc” thật ra không đến từ cảm giác trong cơ thể, mà đến từ suy nghĩ trong đầu ta. Đó là những phán xét về chính ta hay về người khác; là những niềm tin và mong đợi mà ta nhận được từ gia đình, nền văn hóa và truyền thông xã hội. Và chúng có thể đẩy ta rơi vào vòng-xoáy-tâm-trạng-tồi-tệ không lối thoát, nhất là khi nghĩ về chính mình.

Bạn đã bao giờ nghĩ về những suy nghĩ của mình chưa? Nếu bạn thường xuyên ngồi thiền thì hẳn là rồi. Vậy đã bao giờ bạn lùi lại một bước và thật sự nhìn vào những dòng suy nghĩ đang lướt qua trong đầu bạn chưa?

Suy nghĩ là một hoạt động tự nhiên của con người. Bất kỳ khi nào bạn đang không lắng nghe chăm chú người khác hoặc đang tập trung hoàn toàn vào một hoạt động hấp dẫn, thì tâm trí bạn đang thực hiện một cuộc hội thoại phức tạp và không hồi kết với chính bạn. Bạn đang nghĩ về quá khứ và liên kết nó với tương lai. Bạn đang nghĩ về những người xuất hiện trong đời mình, những gì mình phải làm, đã làm hoặc chưa làm. Bạn đang liên tục đưa ra những phán xét, so sánh và tự so sánh. Bạn đang đưa ra tuyên bố mới và chỉnh lại tuyên bố cũ về những quan điểm, niềm tin của bản thân đối với cuộc sống và thế giới xung quanh, về trạng thái hiện tại và lý tưởng của mọi thứ.

truong thanh ve cam xuc 1

Như vậy, đúng nghĩa đen là bạn đang “tạo dựng” chính mình và thế giới của mình. Như Descartes đã nói, cogito ergo sum – “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại.” Bản chất bạn là thế. Đây chính là bạn.

Nhưng vấn đề là: sự thật không phải thế, đó không phải là toàn bộ bạn đâu.

Cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ có hại gì?

Dòng suy nghĩ trong đầu ta có tính mê hoặc rất lớn. Dường như nó cho ta biết mọi thứ ta cần, thậm chí là tất cả mọi điều đều có vẻ thật và đúng.

Nhưng nếu bạn chuyển sự chú ý từ các suy nghĩ này sang vào bên trong cơ thể, bạn có thể sẽ nhận ra một điều khác đang diễn ra. Nhiều người trong chúng ta chưa từng làm thế này trừ khi cơ thể đòi hỏi, như khi bị ốm, bị đói hoặc mệt mỏi. Nhưng khi bạn chủ động chú ý đến những gì đang diễn ra bên trong cơ thể, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy một điều khác bên cạnh những triệu chứng sinh lý đó: đó là những cảm xúc sâu sắc hơn, là cảm nhận của bạn vào thời khắc hiện tại này.

Những cảm nhận cốt lõi này không phải là những “ngôn từ” hay suy nghĩ chạy qua đầu bạn. Chúng là các cảm nhận của cơ thể, là “cảm giác” của trạng thái bên trong bạn. Và dù bạn có ý thức được hay không thì chúng vẫn luôn hiện hữu. Và đây là cách bạn cảm nhận chính mình.

Điều bạn đang cảm thấy trong lòng có tương quan với điều bạn đang nghĩ, nhưng sự tương quan này rất kém chính xác. Ví dụ, khi trong lòng bạn thấy vui vì vừa được thăng chức hoặc có một buổi chiều vui vẻ bên bạn đời chẳng hạn, các suy nghĩ của bạn về bản thân và về cuộc sống nói chung thường sẽ theo hướng tích cực.

Nhưng khi trong lòng bạn thấy không ổn, khi cơ thể không khỏe, khi bạn cảm thấy tổn thương, bất an, bị đối xử bất công hoặc tự nhiên “xuống tinh thần”, thì tâm trí bạn sẽ bật chế độ “chạy hết công suất”, tìm kiếm một cách lý giải và xử lý tình trạng này.

Và vấn đề nảy sinh từ đây.

Con người vốn thích kể chuyện và lý giải mọi thứ

Tâm trí con người thích tạo ra những câu chuyện để kể về chuyện đang diễn ra. “Đây là điều đã xảy ra này. Đây là lý do tại sao nó xảy ra này. Đây là điều sẽ xảy ra tiếp theo này.” Những câu chuyện này là cách mà tâm trí lý giải tình hình. Và tâm trí của chúng ta luôn muốn lý giải mọi thứ.

Khi bạn cảm thấy không vui, tâm trí sẽ tìm một lý do và một “câu chuyện” để giải thích vì sao lại thế. “Câu chuyện” mà tâm trí chắp ghép nên đến từ mọi điều bạn đã nghe được, tin tưởng hoặc có phần tin tưởng. Nó có thể đến từ cha mẹ, bạn bè, từ mạng xã hội hay tôn giáo của bạn. Song nó có thể lại không đến từ nguồn đáng tin cậy nhất – những cảm nhận thẳm sâu trong bạn.

truong thanh ve cam xuc 2

Nhưng dù các suy nghĩ của bạn đã tạo nên câu chuyện gì đi nữa, thì cơ thể bạn giờ đây cũng sẽ sinh ra phản ứng sinh lý tương ứng như thể câu chuyện ấy hoàn toàn đúng. Các suy nghĩ liên quan đến nguy hiểm sẽ khiến bạn cảm thấy bị đe dọa, và cảm giác này sẽ lại gây ra nhiều suy nghĩ về nguy hiểm hơn. Cứ như thế, những cảm giác của cơ thể sẽ bị khuếch đại và bóp méo. Ví dụ, bạn thấy ngực mình đau nhói và trong lòng sợ hãi vì một người nào đó đã không trả lời tin nhắn của bạn trong vòng 12 tiếng, và cảm giác đó có thể leo thang thành cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ: “Người ta không thương mình. Mình không đáng được thương.” Khi có người tạt đầu xe bạn khiến bạn phải phanh gấp, cảm giác sợ hãi và sốc ngay vào lúc đó thể trở thành: “Sao thằng điên này dám tạt đầu xe mình như thế? Nó nghĩ nó là ai chứ?”

Khi ta không kết nối được với những cảm nhận cốt lõi bên trong hoặc không chịu tin tưởng chúng, tất cả những gì ta có khi gặp chuyện không may sẽ là những cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ. Trong trường hợp tệ nhất, chúng sẽ hoạt động như một chứng rối loạn tự miễn, tức là vì muốn bảo vệ bạn khỏi bị tổn thương, chúng sẽ “hoạt động hết công suất”, rồi bị mất kiểm soát và chuyển sang tấn công chính bạn. Hoặc là chúng sẽ giống như những vệ sĩ thấy-động-là-bắn, sẵn sàng “tiêu diệt” bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì khiến bạn cảm thấy không vui hoặc bất an.

Khi bạn tin tưởng và hiểu được các cảm nhận bên trong, bạn sẽ thấy vững tâm, ngay cả vào lúc không vui, cô đơn hay bất mãn với phần nào đó trong cuộc sống. Bạn sẽ tìm cách giải quyết hoặc chí ít là xoa dịu các vấn đề đó, vì các cảm nhận của bạn đã chỉ cho bạn biết điều gì sai và cần phải chỉnh rồi.

Khi bạn bị chìm vào những cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ, chứng tỏ bạn đang không tin tưởng những cảm nhận bên trong. Các cảm xúc tệ không biến mất mà cứ lặp đi lặp lại, thỉnh thoảng bật lên những suy nghĩ kiểu như, “Mình bị cái gì vậy?” và “Sao lúc nào mình cũng cảm thấy thế này vậy?”

Làm sao để phân biệt cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ với cảm nhận bên trong?

Làm sao bạn biết được cái mà mình đang có không phải là cảm nhận bên trong mà chỉ là cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ?

Các cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ dựa trên nỗi sợ hãi, chứa đầy sự phán xét và tự phán xét. Khi có những cảm xúc này, ta sẽ tự buộc tội hoặc đổ lỗi cho người khác bằng những lời lẽ cay độc nhất. “Mình là thứ ghê tởm, bất tài vô dụng, đồ vô tích sự, mập như heo…” hoặc “Thằng đó chẳng có gì tốt lành, thứ bệnh hoạn, ích kỷ, hiểm ác, ‘tự luyến’…” Những cảm xúc kiểu này không mang lại cách giải quyết mà cũng chẳng giúp bạn giải tỏa. Càng đắm chìm vào chúng, bạn càng tụt dốc sâu.

Tuy nhiên, không phải tất cả cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ đều nghiêm trọng như vậy. Có một loại khác là khi bạn cảm thấy có điều gì đó bận tâm và bạn bắt đầu dùng lý trí để tìm ra tại sao lại có cảm xúc ấy. Bạn sẽ tự nhủ, “Mình đang cảm thấy như thế này có thể là vì…” Nhưng dù sau chữ “vì” này là nội dung gì thì bạn cũng thấy không đúng lắm. Bạn chấp nhận lý do này vì xét về lý thì nó đúng, nhưng khi xét về tình thì lại không ổn. Vì thế, bạn có thể bắt đầu thực hiện một số hành động lành mạnh, nhưng sẽ không bền và luôn có cảm giác “không giải quyết được gì”. Đó là vì những hành động đó còn không xác định được chính xác vấn đề thì làm sao giải quyết được gì chứ.

truong thanh ve cam xuc 3

Ngược lại, các cảm nhận thật sự bên trong thường mang tính tức thời và tương đối đơn giản, dù có khi bạn sẽ cảm nhận được nhiều hơn một cùng một lúc. Những cảm xúc này nằm trong cơ thể, tách bạch với tất cả những câu chuyện và phán xét mà tâm trí gắn cho chúng. Bởi vì bạn cảm thấy chúng, bạn có thể đối chiếu với các trải nghiệm bên trong để xem cái tên mà bạn gán cho chúng “nghe” đã “đúng” chưa. Và bởi vì bạn không gắn chúng với các kiểu suy nghĩ và phản ứng theo phản xạ, nên chúng có thể giúp bạn phản ứng linh hoạt hơn để ứng phó hiệu quả hơn với tình huống thực sự trước mắt.

Lần tới khi thấy mình đang rơi xuống “hố sâu tuyệt vọng của những cảm xúc phát sinh từ suy nghĩ”, hãy thử cách sau. Tạm dừng mọi suy nghĩ, hít sâu và tự hỏi, “Mình đang thực sự cảm thấy gì bên trong?” Hãy hướng sự chú ý ra khỏi đầu và chuyển về cơ thể, đặc biệt là phần ngực, bụng và họng.

Trong vài phút, hãy buông bỏ mọi suy nghĩ, câu chuyện, lời phán xét, lời giải thích và giải pháp, và chỉ lưu ý tới điều mà bạn đang cảm thấy bên trong cơ thể thôi. Hãy gọi tên những cảm nhận đó, và đối chiếu lại để đảm bảo mình gọi đúng, chứ đừng chỉ nghĩ rằng đây là cảm nhận của mình và không kiểm tra lại luôn. Hãy thử xem bạn có thể ý thức rõ ràng cỡ nào về những cảm nhận thật sự bên trong mà có liên quan đến vấn đề trước mắt nhé.

Làm theo cách này thì vấn đề làm bạn phiền lòng có biến mất không? Có thể có, có thể không. Nhưng một điều chắc chắn là bạn sẽ sẵn sàng hơn và đương đầu được với bất kỳ trở ngại nào. Vì giờ đây bạn đã biết rõ hơn trước rằng khó khăn thực sự là gì, và bạn cần làm gì hoặc muốn làm gì để cải thiện tình hình rồi.

Nhưng làm sao bạn biết được? Bởi vì bạn cảm thấy được.

Quá trình trở nên ý thức rõ ràng về những cảm nhận thật sự bên trong mình những khi đối mặt với một vấn đề nào đó trong cuộc sống hàng ngày đòi hỏi phải có sự tự rèn và kiên nhẫn với chính mình. Nếu bạn thực sự muốn có thêm sự trợ giúp để thúc đẩy bản thân kiên trì trong quá trình tôi luyện này thì có thể tìm hiểu thêm các khóa học như Làm Chủ Cuộc Sống Từ Bên Trong, hay Rèn Mình Luyện Người Với NLP.

(Theo Helene Brenner & Larry Letich – QVO Content Team biên tập)

Chia sẻ lên:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Go to Top