Cảm xúc là một thứ ngôn ngữ sáng suốt bên trong ta, luôn cố cung cấp những thông tin hữu ích để ta luôn giữ được cân bằng, luôn kiên cường và thể hiện tốt nhất. Bài viết sau sẽ có thể cung cấp thêm hiểu biết và giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong việc học cách phát triển nhận thức về cảm xúc.
Cảm xúc và cảm nhận là hai thứ khác nhau, dù người ta thường sử dụng chúng lẫn lộn. Cảm xúc là dữ liệu thời gian thực được kích hoạt bởi các cảm giác trong cơ thể. Cảm nhận thì thường cảm tính hơn và có thể bị thay đổi bởi những niềm tin sai lầm. Phát triển nhận thức về cảm xúc có thể giúp ngăn chặn các niềm tin sai lầm và thói phản ứng theo cảm xúc.
Nhiều người cho rằng duy trì sự kết nối với cảm nhận của mình là một điều tốt. Còn họ có làm vậy thường xuyên không thì lại là một vấn đề khác. Nhưng còn việc duy trì kết nối với cảm xúc thì sao?
Dù hai từ cảm xúc và cảm nhận được sử dụng thay thế cho nhau, đây thực chất là hai hiện tượng khác nhau và có liên hệ với nhau. Cảm xúc bắt nguồn từ những cảm giác trong cơ thể. Cảm nhận thì bị ảnh hưởng từ các cảm xúc nhưng lại sinh ra từ suy nghĩ của ta.
Hãy xem xét một số ví dụ sau. Tại một bữa tiệc, bạn nhận ra mình có cảm xúc không thoải mái khi dạ dày co thắt và hô hấp không thuận. Khi đó, tâm trí sẽ gắn nhãn cho hiện tượng này là bạn đang cảm thấy ngượng nghịu vì có lẽ bạn không quen nhiều người ở đó, hoặc bạn vừa trông thấy người yêu cũ. Tuy nhiên, một người khác cũng có cùng cảm giác và cảm xúc cơ thể này lại có thể xem trải nghiệm đó là thú vị vì họ được gặp gỡ những người mới hoặc gặp lại người yêu cũ.
Lấy một ví dụ khác. Khi gặp một mối đe dọa về mặt cảm xúc, kẻ hay bắt nạt người khác có thể phản ứng bằng sự giận dữ vì nó khiến hắn cảm thấy mình mạnh mẽ, trong khi việc gắn nhãn cho mối đe dọa ấy là “nỗi sợ hãi” sẽ khiến hắn thấy mình yếu đuối. Ngược lại, một người bình thường gặp phải mối đe dọa đó có thể cảm thấy sợ hãi. Đây là lý do tại sao trong cùng một hoàn cảnh, cảm nhận của những người khác nhau có thể rất khác nhau.
Tại sao sự khác biệt giữa cảm xúc và cảm nhận lại quan trọng?
Cảm xúc giống như động cơ xe, còn cảm nhận thì là khung xe. Chẳng ai có thể nâng cấp xe mà bỏ qua phần động cơ được. Tương tự với cảm xúc. Cảm xúc có thể cho ta một chẩn đoán chính xác hơn về tình hình của ta ngay trong lúc đó.
Cảm xúc là dữ liệu thô, là một phản ứng với thực tế hiện tại. Trong khi đó, cảm nhận có thể bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện mà ta đã tạo ra trong đầu dựa trên các sự kiện trong quá khứ hoặc nỗi sợ hãi về tương lai; nói cách khác, không nhất thiết phải là thực tế của tình huống đó. Lắng nghe các cảm xúc từ cơ thể (được hình thành từ thông tin cảm giác) sẽ giúp ta kết nối với thực tế của trải nghiệm hiện tại, chứ không phải là những câu chuyện được tạo ra từ những niềm tin có khi chẳng hề chính xác. Khi đã biết rõ sự thật, ta có thể đưa ra các quyết định phù hợp.
Nếu bạn bị mắc kẹt trong những câu chuyện diễn ra trong đầu mình giống như vậy (hầu hết mọi người đều gặp phải tình huống này), hãy cố gắng có được một đánh giá trung thực hơn về cảm nhận của mình thông qua bước đầu tiên là xác định các cảm xúc hiện tại. Nếu bạn không thể xác định được cảm xúc của cơ thể, hãy thử gọi tên cảm nhận rồi tự hỏi: “Làm sao mình biết được cảm nhận này là đúng dựa trên các tín hiệu trong cơ thể mình?” Nếu bạn không rõ các cảm xúc biểu hiện ra như thế nào bên trong cơ thể mình, hãy khám phá các cảm giác của bạn ở 3 chế độ thần kinh khác nhau: chiến đấu, bỏ chạy hoặc “chết trân.”
Nhận biết và đáp lại các cảm xúc là một cách rất hay để rèn luyện sự tự chủ. Khi đã quen với thông tin mà cảm xúc đang nhắn gửi, bạn có thể đi thẳng đến ngọn nguồn của nó trong cơ thể để giữ cân bằng. Ví dụ như thực hành các bài tập tự xoa dịu bản thân như hít thở sâu, thả lỏng cơ thể, tự ôm hoặc nhờ người khác ôm mình, tìm một không gian yên tĩnh, v.v.
Cách phát triển nhận thức về cảm xúc
Đầu tiên, hãy kết nối với các “sứ giả cảm giác”, tức là các bộ phận cơ thể. Tiếp theo, đưa tay đặt lên khu vực đó, ví dụ như tim hoặc bụng, thả lỏng vùng cơ đang căng cứng ở đó và thở ra. Hãy hỏi xem các cảm xúc đang muốn nói với bạn điều gì. Những thông tin đó có thể giúp ích gì cho bạn?
Tiếp theo, hãy gọi tên cảm nhận mà bạn đang liên kết với cảm xúc đó. Vừa gọi tên cảm nhận, vừa hít thở sâu để điều hòa hệ thần kinh và xoa dịu cơ thể. Sau đó, xem xem bạn có cảm thấy dễ chịu hơn không bằng cách lắc người, giãn cơ hoặc thở hắt ra năng lượng của cảm xúc đó. Hãy lặp lại bài tập đơn giản này thường xuyên vì nó rất hiệu quả.
Những người từng trải qua sang chấn có thể kém nhạy hơn về mặt cảm xúc. Bằng cách từ từ kết nối với những cảm xúc thô sơ, họ có thể bắt đầu gọi tên nó, rồi sau đó kiểm soát được nó. Sự tự nhận biết này rất hiệu quả trong việc giúp giữ bình tĩnh, đặc biệt là khi nó xảy ra nhẹ nhàng và ấm áp. Đối với những người sợ hãi các cảm nhận lớn, trước tiên hãy tập trung vào các cảm giác để kịp thời can thiệp trước khi chúng trở nên quá mãnh liệt.
Trí thông minh cảm xúc giúp ta quay trở lại khoảnh khắc hiện tại bằng cách “neo” ta lại ở ngay trong cơ thể, đánh giá các nhu cầu của bản thân, quản lý phản ứng bằng sự tự chủ và đưa ra quyết định chín chắn hơn. Cảm xúc là một thứ ngôn ngữ sáng suốt bên trong ta, luôn cố cung cấp những thông tin hữu ích để ta luôn giữ được cân bằng, luôn kiên cường và thể hiện tốt nhất.
Hiểu được sự khác biệt giữa cảm xúc và cảm nhận là điều kiện thiết yếu để ứng phó hiệu quả với căng thẳng. Việc tập trung lắng nghe các thông điệp được gửi đi thông qua những thay đổi trong cơ thể chính là cách để phát triển nhận thức về cảm xúc, từ đó giúp ta đánh giá các nhu cầu của bản thân, rèn luyện sự tự chủ và đưa ra quyết định chín chắn hơn.
(Theo Tiến sĩ Rachel Allyn – EVOL Edu biên tập)
Leave A Comment