Khiếu hài hước và những sự khác biệt

Khiếu hài hước và trí thông minh

Những người hài hước thường thông minh, tuy nhiên, điều ngược lại thì chưa chắc. Lý do là vì để được gọi là hài hước, những câu đùa của bạn phải bao gồm nhiều yếu tố như sự sáng tạo, sự bất ngờ, sự thông minh (đủ để biết điểm nhấn nhá) và phản ánh phần nào khả năng thông cảm với người khác. Rõ ràng bạn phải có ý nghĩ trong đầu rằng “Nếu mình nói điều này sẽ làm người ta cười, vì nếu mình là họ mình cũng sẽ cười”, tức là bạn biết đặt mình vào vị trí người khác.

Ngược lại, những người quá đỗi thông minh, điển hình là những nhà khoa học khô khan, họ không quan tâm tới suy nghĩ của người khác do tính chất công việc, nếu nghe quá nhiều nguồn ý kiến sẽ không thể tập trung chứng minh điều họ đang nghiên cứu được, nên những câu họ cho là hài hước sẽ không hài hước với người nghe. Một số trường hợp khác có vùng não dành riêng cho sự hài hước nhỏ hơn so với vùng phụ trách cho việc phân tích lý tính, nên mọi điều với họ là trắng đen, đúng sai rõ ràng. Những trường hợp này bạn có thể dễ nhận thấy khi mọi câu đùa của bạn đều được họ chỉ ra đúng sai cụ thể thay vì hưởng thụ nó.

Các loại hài hước và tính cách

Các nhà khoa học đã phân loại ra có 4 loại hài hước:

  1. Loại trung lập: đây là loại hài hước không có đối tượng, không nhằm vào bất kỳ ai. Ví dụ kinh điển nhất: “Chào tất cả quý vị từ thành thị tới nông thôn, từ sân golf tới sân bóng đá. Em chào từ Thanh Hoá đến tít tận Tuyên Quang và em chào từ Hà Giang chào sang Yên Bái.” Những người hay đùa kiểu này thường thích tạo dựng liên kết với mọi người, thích tụ tập, và ưa chuộng bầu không khí vui vẻ. Họ thường không chịu được sự cô đơn, không dám làm mách lòng ai và hay cả nể.
  2. Loại Tự Hủy: đây là loại lấy chính bản thân mình ra làm đối tượng bị công kích. Ví dụ: “Cô xem, cháu thế này đến chó còn chả thèm yêu nữa là người” Đôi khi những người sử dụng kiểu đùa này cũng không ngại khi bị người khác lấy mình làm đối tượng để đùa. Những ai ưa dùng kiểu đùa này thường muốn tạo dựng các mối quan hệ thân thiết, dễ mở lòng với người khác và tìm kiếm sự công nhận từ mọi người. (Ví dụ khi bạn nói câu đùa trên, bạn thường mong đợi mọi người sẽ nói những câu như “Đâu cháu tôi có đầy điểm tốt đấy chứ”). Tuy nhiên họ lại rất dễ bị căng thẳng, nhiều khi bi quan, và dễ tự ti về ngoại hình.
  3. Loại Nâng tầm: “Nếu trên thế gian, tao đẹp trai thứ nhì thì không ai đứng nhất”. Những người hay tự nâng bản thân lên 1 cách hài hước (phân biệt với việc nói câu đó và thực sự tin đó là thật nhé. Đó là Ảo tưởng sức mạnh chứ không phải hài hước nữa rồi) thường cảm thấy hài lòng với bản thân hơn các loại khác. Họ hay sử dụng kiểu đùa này để vượt qua những lúc nản chí hay mệt mỏi, nên nhìn chung họ là những người khá lạc quan.
  4. Loại công kích: đây là kiểu đùa mà nếu không sử dụng cẩn thận rất dễ gây xích mích. Như tên gọi của nó, kiểu đùa này sử dụng người khác làm đối tượng trò đùa. Những người thích dùng kiểu đùa này thường hay để bụng, vô tâm, gia trưởng, không tự tin vào diện mạo của bản thân, và thường không thích một mối quan hệ mật thiết. Điều này là hợp lý về mặt tâm lý học, khi bên trong tâm họ cảm thấy không tự tin (về học thức, gia cảnh, hay diện mạo…) thì họ phải cố gắng đẩy sự chú ý của mọi người sang người khác (bằng lấy người khác làm trò đùa). Họ quan tâm nhiều tới sex hơn những loại khác.

Tuy nhiên, đây không phải là loại tiêu cực hoàn toàn. Với những người thân quen, bạn hoàn toàn có thể dùng nó, nhưng phải thực sự tinh tế và chắc chắn rằng đối tượng trong trò đùa không cảm thấy bị xúc phạm. Ví dụ, tôi có anh bạn rất hay nói câu “Cũng tùy á”. Vì vậy thi thoảng nói chuyện với anh ấy tôi hay nhại lại câu đó, hai anh em cùng cười, vì tôi biết anh ấy không phải là người dễ bực bội vì một điều nhỏ như vậy. Hơn nữa, anh ấy coi đó không phải là để chế nhạo, mà là một điều vui vẻ.

Khiếu hài hước và sự khác biệt giữa hai giới

Đàn ông sử dụng khiếu hài hước hoặc là để nhắc nhở ai một cách tinh tế, hoặc là để hạ ai xuống dưới tầm mình, trong khi đó phụ nữ sử dụng khiếu hài hước để kết nối, để làm cho mối quan hệ trở nên gần gũi hơn. Điều này là dễ hiểu khi đàn ông, khi còn là các cậu bé, đã học về sự cạnh tranh (điều mà bộ não bản năng của họ đã có sẵn). Các cậu bé thường chơi trong một nhóm có trật tự nhất định, và những ai có vị thế cao hơn luôn được ngưỡng mộ hơn. Lớn lên, thế giới của họ xoay quanh việc, hoặc là bị dìm xuống, hoặc là dìm người khác xuống.

Điều này dễ thấy nhất khi bạn quan sát một nhóm những chàng trai vây quanh một cô gái đẹp và nhiệt tình thể hiện bản thân mình bằng những câu đùa thuộc loại Công Kích. Bạn sẽ ít thấy một chàng trai sử dụng kiểu đùa Tự Hủy trước mặt một cô gái, nhất là khi có những chàng trai khác cũng đang hiện diện ở đó. Đơn giản đó là xu hướng bản năng của họ.

Còn phụ nữ, vì họ sợ cô đơn, nên họ rất ít khi sử dụng kiểu đùa Công Kích. Phần lớn thời gian họ sẽ sử dụng 3 kiểu đùa còn lại, bởi chúng không gây ra xích mích với mọi người.

Trong chuyện hẹn hò/tìm đối tượng, đàn ông thường tìm những người phụ nữ “cười với trò đùa của họ”, và phụ nữ tìm những người đàn ông “làm họ cười”. Như đã nói ở trên, khiếu hài hước thể hiện sự thông minh, tính sáng tạo, sự cảm thông… tất cả đều là những đức tính của một “gen tốt”, mà “gen tốt” tương đồng với “sẽ sinh ra những đứa trẻ có gen tốt”. Đó là lí do về mặt bản năng tại sao phụ nữ thích đàn ông hài hước. Về mặt tâm lý, do phụ nữ là giống loài của cảm xúc, một người đàn ông hài hước sẽ luôn đem lại cho họ những cảm xúc tích cực, từ đó họ sẽ muốn có một mối quan hệ với những người như vậy.

Trong một cuộc nghiên cứu năm 2006 tại Mỹ, những người phụ nữ đang trong giai đoạn rụng trứng (giai đoạn mà những khao khát về tình dục của họ trở nên bản năng nhất) khi được hỏi sẽ chọn ai giữa một người giàu nhưng khô khan hay một người nghèo nhưng hài hước, ¾  trong số họ đã chọn một người nghèo mà hài hước.

Còn đàn ông, một giống loài của thể diện, việc người phụ nữ cười với những câu đùa của họ làm tăng sự tự tin của họ lên, từ đó gây cảm giác phấn khích và muốn ở bên. Về mặt bản năng, đàn ông thích nhìn phụ nữ khi cười, vì đó là dấu hiệu của sự thích thú, của kết nối và đồng cảm – tất cả đều là những tính chất của một “đối tượng duy trì nòi giống” lý tưởng.

Đôi khi, trò đùa không hẳn chỉ là trò đùa

Nghiên cứu cho thấy, nếu một người thường xuyên sử dụng hay nghe nhiều người khác sử dụng một trò đùa, dần dần họ sẽ tin trò đùa đó là thật. Đó là lí do vì sao những người thường xuyên sử dụng kiểu đùa Tự Hủy lại dễ bị stress và thường tự ti. Một cuộc thí nghiệm đã được tiến hành giữa hai nhóm người: một nhóm gồm những người tóc vàng hoe, và nhóm còn lại là những màu tóc khác. Hai nhóm này đều được đọc những câu chuyện hài hước thuộc loại Công Kích (ai từng đọc báo Hoa Học Trò chắc sẽ biết những câu chuyện kiểu này) có đối tượng bị làm trò đùa là các cô gái tóc vàng hoe. Sau đó cả hai nhóm được yêu cầu làm một bài test IQ.

Kết quả cho thấy nhóm những người có tóc vàng hoe ghi được ít điểm hơn hẳn so với nhóm còn lại. Sau 2 tuần, nhóm nghiên cứu cho nhóm tóc vàng hoe một bài kiểm tra khác, lần này không có những câu đùa kia nữa. Kết quả lần hai cao hơn hẳn so với lần 1, thậm chí nhiều cá nhân còn cao điểm hơn cả nhóm những người có màu tóc khác.

Điều đó nhắc nhở các bạn rằng: hãy biết đùa đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng, và đúng kiểu đùa. Và khiếu hài hước vốn nên chỉ dùng để vui vẻ, đừng coi chúng là sự thật.

* EVOL Edu tổng hợp và biên tập

Chia sẻ lên:

Share on facebook
Share on twitter
Share on linkedin
Go to Top