Nỗi sợ là cảm xúc mà tất cả mọi người đều đã và sẽ trải qua không ít lần trong cuộc đời. Cảm giác này khó tránh khỏi nhưng có thể chế ngự. Để làm được việc này, nó đòi hỏi mỗi người không những cần phải nhận ra niềm tin cá nhân đang khiến cho bản thân bị giam hãm mà còn cần lòng dũng cảm lựa chọn hành động thay đổi niềm tin đó. Tiến sĩ tâm lý Edith Eger, người đã sống sót sau thảm kịch Holocaust, đã nhận thấy sức mạnh nội tại có thể giúp bà chế ngự và vượt qua nỗi sợ trong thảm kịch kinh khiếp này như thế nào, từ đó bà bắt đầu giúp mọi người nhận ra một sức mạnh có khả năng chuyển hóa luôn có sẵn trong mỗi con người – sức mạnh của sự lựa chọn. Và dưới đây là những chia sẻ của bà về quá trình này.
Mùa xuân 1944, Edith Eger khi đó đang là một vận động viên thiếu niên ở Hungary. Rồi bà và gia đình bị tống giam vào trại Auschwitz. Bà nói, “Tôi ở đây để nói với các bạn rằng nhà tù tồi tệ nhất không phải nhà tù mà Đức Quốc xã đẩy tôi vào. Nhà tù tồi tệ nhất là nhà tù tôi dựng lên cho chính mình”.
Sau chiến tranh, Edith Eger đến Mỹ rồi lấy bằng Tiến sĩ tâm lý học. Khi nhận ra rằng niềm tin cá nhân có thể giam hãm bản thân đến thế nào, bà bắt đầu giúp mọi người giải phóng bản thân khỏi nhà tù của riêng họ bằng cách nhận ra sức mạnh của sự chọn lựa.
Cách tiếp cận của bà tương đồng với cách tiếp cận của Viktor Frankl, người đã nói rằng chúng ta có thể bị tước đoạt mọi thứ “ngoại trừ một điều: thứ cuối cùng trong sự tự do của con người — quyền được lựa chọn thái độ của mình trước bất kỳ hoàn cảnh nào”. Cả Eger và Frankl đều nhận ra một sức mạnh có khả năng chuyển hóa của chúng ta – sức mạnh của sự lựa chọn.
Eger biết đến tác phẩm của Frankl khi một người bạn cùng lớp lịch sử tại trường đại học đưa cho bà cuốn Đi Tìm Lẽ Sống. Đêm đó, bà đọc đến tận 3 giờ sáng, rồi viết một bài về Viktor Frankl. Có người đã gửi cho Frankl xem bài báo này. Ông đã hồi đáp bằng “một bức thư tuyệt vời, mời tôi đến gặp ông ở San Diego, tại Đại học Quốc tế.” Frankl đã trở thành cố vấn của Eger. “Tôi mừng khôn tả khi Frankl trở thành cố vấn và đồng nghiệp của tôi”, bà chia sẻ. Năm 2017, bà xuất bản cuốn hồi ký The Choice (tạm dịch: Sự Chọn Lựa) sau khi Tiến sĩ, nhà tâm lý học Philip Zimbardo của Đại học Stanford gọi cho bà, bày tỏ rằng những cuốn hồi ký về thảm kịch Holocaust trước giờ đều do đàn ông viết và họ cần một tiếng nói từ phụ nữ.
Trong The Choice (2017), Eger mô tả quá trình khi cả nhà vừa đến trại tập trung, cha mẹ bà đã bị đưa ngay vào phòng hơi ngạt. Bà cảm thấy đơn độc và bị bỏ rơi trong trại Auschwitz, liên tục tự hỏi, “Có ai biết mình đang ở đây không?” Thế nhưng bà vẫn kiên trì, bất chấp nỗi sợ hãi và cảm giác bấp bênh luôn bủa vây. “Tôi không biết rồi sẽ xảy ra chuyện gì nữa. Khi đi tắm, tôi không biết vòi sẽ phun ra nước hay khí độc. Tôi ý thức rất rõ rằng người ta có thể đưa mình vào buồng hơi ngạt bất cứ lúc nào. Nhưng họ không bao giờ có thể dập tắt tinh thần của tôi.”
Ngày nay, với tư cách là một nhà tâm lý thực hành ở San Diego, Tiến sĩ Eger giúp khách hàng nhận ra “rằng chúng ta có một sức mạnh nội tại, không phải để phản ứng mà là để đáp lại.” Bà chia sẻ, “Theo kinh nghiệm của tôi, nạn nhân thường hỏi ‘Tại sao lại là tôi?’, còn người sống sót thì hỏi ‘Rồi giờ sao nữa?’”. Kết hợp các dẫn chứng cá nhân và câu hỏi gợi mở, bà giúp mọi người ngừng tập trung vào quá khứ và chuyển sang đặt câu hỏi rằng họ có thể làm gì ngay bây giờ.
Eger đã giúp mọi người xác định nhà tù bên trong của chính họ và đưa ra các chiến lược để “vượt ngục”. Để thoát khỏi nhà tù nội tâm của tư duy mình-là-nạn-nhân và sự bỏ bê bản thân, Eger khuyến nghị điều mà các nhà tâm lý học gọi là sự cảm nếm (savoring). Bà nói, “Bất cứ điều gì ta rèn luyện thì ta đều sẽ thành thạo hơn.” Một số ví dụ mà Eger trích dẫn là “dành ít nhất 5 phút mỗi ngày để cảm nếm những cảm giác dễ chịu: ngụm cà phê đầu tiên vào buổi sáng, cảm nhận làn nắng ấm trên da hoặc một cái ôm từ người bạn yêu thương, tiếng cười hoặc tiếng mưa rơi trên mái nhà, mùi bánh mì đang nướng. Hãy dành thời gian để nhận thấy và trải nghiệm niềm vui”.
Theo Eger, đôi khi chỉ cần một câu hỏi là ta sẽ thoát được suy nghĩ xem-mình-là-nạn-nhân: “Có tốt cho mình không? Việc lên giường với một người đã có gia đình có tốt cho mình không? Ăn một miếng bánh sôcôla có tốt cho mình không? … Đi nhảy có tốt cho mình không? Giúp đỡ bạn bè thì sao? Sẽ làm mình kiệt sức hay lên tinh thần?”.
Eger cũng chỉ ra những cách chúng ta thường giới hạn bản thân trong những kịch bản mà cha mẹ và nền văn hóa đã bày ra cho chúng ta, chấp nhận những giới hạn của sự phân biệt giới tính, phân biệt tuổi tác, v.v. Nhưng “bạn có thể viết lại kịch bản của mình.” Khi Eger còn là một giáo viên, người quản lý đã khuyến khích bà học để lấy bằng Tiến sĩ. Khi đó bà 40 tuổi, và bà trả lời, “Không được đâu,” vì khi học xong, bà sẽ trên dưới 50 rồi. Ông ấy đã đáp lại rằng, “Thì sớm muộn gì mà bà chả đến 50.” Giờ nghĩ lại, bà cười, “Tôi nghĩ đó là câu nói khôn ngoan nhất. Phải, tôi đã lấy bằng Tiến sĩ và vẫn đang học nữa.” Bây giờ, ở tuổi 90, Eger vẫn tư vấn cho khách hàng, viết sách, khám phá các dự án mới và là một tấm gương sáng cho tất cả những ai – từ tuổi trung niên trở lên – muốn tìm kiếm những giới hạn mới.
Khi đại dịch COVID bùng nổ, nhiều người đã phải sống trong sự bất định và hoang mang dai dẳng. Tiến sĩ Eger và con gái của bà, Tiến sĩ, nhà tâm lý học Marianne Engle, đã đưa ra những lời khuyên về cách ứng phó với nỗi sợ hãi và sự mơ hồ.
Engle chia sẻ: “Người ta hỏi chúng tôi câu này nhiều lắm, và một trong những điều quan trọng mọi người cần biết là, việc cảm thấy sợ hãi là bình thường, cảm thấy lo lắng cũng là bình thường. Cái không tốt là khi ta để những nỗi sợ hãi và lo lắng đó chiếm quá nhiều thời gian của ta.” Bà khuyên mọi người nên dành ra 5 phút để viết xuống nỗi sợ hãi của mình, làm rõ cái gì đang khiến mình lo lắng, rồi gác danh sách ấy sang một bên. Tiếp theo, “hãy lập danh sách những việc bạn muốn làm trong ngày để nó trở thành một ngày hữu ích. Mẹ tôi rất thích nói về cảm giác hài lòng. Nếu bạn thấy hài lòng vào cuối ngày, bạn sẽ có một trải nghiệm rất khác”.
Bởi vì, như Eger nói, “sợ hãi và yêu thương không cùng tồn tại,” bà khuyên chúng ta làm điều tử tế ở mọi cấp độ để thoát khỏi nỗi sợ hãi.
- Tử tế với bản thân: Điều này “rất quan trọng. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng và nhìn vào gương, hãy nói những câu như, ‘Tôi yêu bản thân tôi,’ vì yêu quý bản thân tức là tự chăm sóc, không phải là tính ái kỷ.”
- Tử tế với người khác: Khi Eger và em gái Magda vào trại Auschwitz, họ bị cạo trọc đầu. Lúc cùng đứng trần truồng dưới vòi tắm, Magda hỏi chị, “Trông em thế nào?” Thay vì mô tả bộ dạng thảm hại lúc ấy của em gái, Eger đã nói, “Magda, mắt em đẹp quá. Hồi em còn để tóc phủ thì chị không nhận ra ấy.” Giờ đây, Eger nói, “Tôi nghĩ chúng ta nên chỉ ra những điều tốt và thật ở người khác.”
- Trân quý sự tử tế của người khác: Eger hồi tưởng lại một ngày tháng 4 năm 1945 khi bà và Magda bị giam trong một ngôi làng ở Đức. Họ đã bị đe là ai rời căn nhà đang nhốt thì sẽ bị bắn, nhưng khi Magda nói với Eger rằng nếu không có gì ăn thì em sẽ đói chết, bà đã nhảy qua rào để hái cà rốt ở khu vườn kế bên. Súng đã nổ. Nhưng bà sống sót. Sáng hôm sau, một lính canh người Đức hỏi ai đã phá luật và bà thú thật. Ông ta đưa cho bà một ổ bánh mì nhỏ và nói, “Hẳn cô đã đói lắm nên mới làm thế.” Nhớ lại lòng tốt của người lính này, Eger rất xúc động, “Ước gì bây giờ tôi có thể gặp lại ông ấy.”
- Nói lời tử tế. Giống như khái niệm “chánh ngữ” trong Phật giáo, Eger khuyên mọi người rằng, “Nếu bạn muốn nói một điều gì đó, hãy tự hỏi, ‘Điều này có quan trọng không?’ ‘Có cần thiết không?’ Và hơn hết, ‘Có tử tế không?’ Nếu không thì đừng nói.” Chắc chắn thế giới ngày nay cần nhiều sự tử tế hơn mà.
Với nhiều người trong chúng ta, trong hơn hai năm trầy trật vì COVID, trải nghiệm tồi tệ nhất chính là cảm giác mơ hồ và bị cô lập, và nó có thể rất đáng sợ. Trái ngược với sự cô lập đau đớn này là sự kết nối, sự tử tế và tình yêu thương, những điều giúp ta nhận ra rằng mình không đơn độc, rằng tất cả chúng ta đều được kết nối Và đó là điều mà Eger mang lại cho khách hàng và độc giả của bà, là điều mà người lính gác năm ấy đã cho bà cùng với ổ bánh mì nhỏ. Sự kết nối đó, sự kết nối đầy tính nhân văn đó, là điều mà tất cả chúng ta cần để sống một cuộc sống lành mạnh và trọn vẹn.
“Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là chuyện gì xảy ra với chúng ta, mà là ta chọn làm gì với nó.”
(Theo Diane E Dreher – EVOL Edu biên tập)
Leave A Comment